Thầy cô nên nhìn lại mình, đã bao lâu rồi không cười với học sinh?

Lượt xem:

Đọc bài viết

(GDVN) – Tôi tin sẽ có nhiều người giật mình, đã bao lâu rồi chúng ta không cười với học sinh? Đã bao lâu rồi chúng ta không nói chuyện thân tình với các em?

Hành trang của giáo viên chính là những kiến thức về pháp luật, về ngành, về vốn sống của mình và những ứng xử, kỹ năng, tri thức đạt được của học sinh.

Tôi xin được phép chia sẻ quan điểm cá nhân sau để cùng các đồng nghiệp đang là nhà giáo nắm bắt, nhằm soi lại chính mình để thực hiện công việc “trồng người” được tốt hơn, hiệu quả hơn.

Tuyệt đối không được đánh học sinh

Đây không chỉ là vi phạm pháp luật, là xúc phạm thân thể người học được quy định trong Luật Giáo dục; Luật Viên chức; Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.

Nó còn trái đạo lý, xúc phạm nhân cách, đạo đức, phẩm chất của người học…việc này lấy “quyền” là giáo viên đánh học sinh là việc làm sai trái rõ ràng, không cần bàn cãi.

Hãy quên đi việc các em học sinh “cá biệt” như không ngoan, học yếu…làm lý do để giáo viên đánh học sinh, xúc phạm các em.Các thầy cô hãy quên đi những vẻ mặt đôi khi “láu cá”, đôi khi “bướng bỉnh”, “hỗn láo” của học trò.

Xã hội là thế các em cũng chỉ là trẻ con, chính vì thế các em cần được đi học, cần được dạy dỗ, được yêu thương.

Đôi khi môi trường trước nay các em sống trong hoàn cảnh đau thương, bi đát nên sinh ra thế. Các em đáng thương hơn đáng lên án.

Tôi xin chia sẻ một câu chuyện sau đây, tôi tin rằng khi các bạn đọc xong các bạn sẽ không đánh học sinh nữa.

Một thầy giáo trong giờ giảng bài có một học sinh “tăng động” luôn luôn không thể ngồi yên một chỗ, dù đã nhắc nhở nhiều lần nhưng em vẫn thế. Trong lúc bực tức thầy đã nóng giận tát em một bạt tai rất mạnh.

Lúc đó, em mới yên lặng.

Sau đó, biết mình đã sai nên khi về nhà thầy rất hối hận, thầy muốn gọi điện thoại để xin lỗi em học sinh đó và hối hận về hành vi của mình. Thầy dự định sáng mai chắc chắn sẽ xin lỗi học sinh trên.

Sau đó, thầy nhận được một cuộc điện thoại từ chính vị phụ huynh của học sinh đó, thầy cứ ngỡ rằng phụ huynh trên “mắng vốn” việc thầy đánh con họ.

Nhưng không phải, phụ huynh đó báo một hung tin mà khi nghe xong thầy đã không còn đứng vững, rằng em đó đã ra đi mãi mãi vì bị bệnh động kinh.

Dù gia đình không trách, dù thầy vô tình không biết căn bệnh em đang chống chọi từng ngày nên đôi khi em “tăng động” như thế. Thế là một lời xin lỗi thầy cũng không thể nói với em.

Thầy mãi mãi hối hận về hành động trên, có khi ám ảnh cả cuộc đời làm “nghề giáo” của mình.

Các em học sinh là lứa tuổi dễ tổn thương, dễ vi phạm, hãy đặt mình vào vị trí phụ huynh, không ai muốn con mình sinh ra kém cỏi hay khiếm khuyết…xin đừng “xát muối” thêm vào nỗi đau của họ.

Các thầy cô hãy đặt mình vào vị trí của cha mẹ mà yêu thương, dạy dỗ các em.

Không dạy thêm trái phép

Hiện nay, việc dạy thêm học sinh cấp tiểu học đã bị cấm, nên giáo viên cấp tiểu học dạy thêm là trái phép, là vi phạm pháp luật, tiền nhận được cũng trái luật…bất kỳ giáo viên tiểu học nào dạy thêm phải bị kỷ luật, thu hồi tiền dạy thêm trái luật.Có nhiều giáo viên hiện nay dùng mọi “thủ đoạn”, “chiêu trò” để o ép, bắt nạt, thậm chí đánh học sinh để học sinh đi học thêm.

Có giáo viên khi vào lớp không cần tìm hiểu kiến thức của học sinh là bao nhiêu, học sinh có ngoan không mà hỏi học sinh có xuất thân như thế nào? Gia đình có cho đi học thêm không?

Thật đắng lòng khi giáo viên làm giàu từ việc o ép, chiêu trò dạy thêm học sinh, vì nó rẻ quá.

Gia đình nghèo, không đủ tiền cho con đi học thêm không phải là cái tội. Đừng vì thế mà làm cho các em thua thiệt trong cuộc cạnh tranh lành mạnh, công bằng.

Thay vì dạy học sinh nên nhớ nên dạy học sinh nên “quên”

Chúng ta cứ bắt học sinh học cái này cái kia, nhớ cái này cái kia, chúng ta đang tạo áp lực không đáng có cho các em.

Thay vì dạy học sinh nhớ chúng ta nên chuyển sang dạy học sinh nên “quên” và dạy kỹ năng sống, thay vì tụng đọc và ghi nhớ kiến thức đã học hãy chuyển sang vận dụng nó vào cuộc sống.

Hãy dạy các em quên đi những phiền muộn, những tranh ghét, những thủ đoạn, những nỗi đau…để biến thành hành động giúp các em trong cuộc sống.

Học sinh học giỏi, học “vẹt” hôm nay không có nhiều ý nghĩa, không đảm bảo cho sự tiến bộ, thành công của các em ở phía trước.

Hãy dạy cho học sinh quên đi các điều đó và dạy cho học trò của mình cách thích nghi với cuộc sống hiện tại, biết vượt qua thử thách để thích nghi với cuộc sống có nhiều thay đổi.

Thành tích hôm qua đã là quá khứ

Giáo viên giỏi cấp quốc gia, cấp tỉnh, cấp huyện chỉ là giỏi 1 tiết, 1 năm nó không thể đánh giá là giáo viên giỏi suốt đời.

Giáo viên bồi dưỡng học sinh đạt giải các cấp cũng là chuyện đã qua.

Giáo viên đạt nhiều danh hiệu, giấy khen, bằng khen cũng chỉ là quá khứ.

Các thầy cô giáo hãy luôn hết lòng và yêu thương học trò của mình (Ảnh minh họa: vov.vn).

Các thầy cô hãy tiếp tục thay đổi, phấn đấu để được học sinh yêu quý trân trọng hôm nay mà đừng suy nghĩ về quá khứ mình đã từng đạt được danh hiệu, thành tích gì.

Chuyện đó đã là quá khứ, hãy chôn vùi nó đi để mọi thứ trở nên tốt hơn, đừng tự hào về quá khứ mà quên rằng nhiệm vụ “trồng người” hôm nay mới là quan trọng nhất, học sinh học tốt hôm nay mới là điều đáng quý nhất.

Nghề giáo là nghề cho, không phải nghề nhận

Hãy luôn tâm niệm điều cao cả, thiêng liêng của nghề giáo là cho không phải nhận.

Hãy nhớ rằng đã chọn nghề giáo là chọn sự thanh cao, thanh đạm đừng bao giờ có suy nghĩ, tư tưởng làm giàu từ nghề giáo.

Các thầy cô cũng nên giữ gìn lương tâm, phẩm giá của mình, nếu muốn giàu có nhanh thì xin hãy ra khỏi nghề giáo mà tìm việc phù hợp.

Học sinh, phụ huynh học sinh không phải và tuyệt đối không phải là đối tượng kiếm tiền, làm giàu của chúng ta. Chúng ta đã nhận lương của ngân sách để làm việc đó, hãy làm tốt hơn nữa nghề nghiệp của mình.

Đừng mong mỏi sự đền đáp của học trò, của phụ huynh. Chúng ta hết lòng vì học sinh vì đó là nhiệm vụ.

Nếu chưa hết lòng là do chúng ta chưa tốt, học sinh học tốt thì chúng ta hoàn thành tốt nhiệm vụ đừng đòi hỏi, đừng trong chờ vào những món quà, những lời khen.

Thành tích mà học sinh đạt được là tổng hòa của nhiều yếu tố, đừng tự hào vì ta có học sinh thành tài, học sinh giỏi.

Đừng nghĩ nhà giáo là nghề cống hiến, đó là nhiệm vụ phải làm.

Hãy thường xuyên đọc báo, học nghề

Hãy dành nhiều hơn nữa thời gian để đọc báo, đọc sách, thực hành để trau dồi kiến thức và cả kỹ năng sống.

Bên cạnh đó, các thầy cô cần nắm vững các kiến thức về pháp luật, về ngành, về lương tâm đạo đức, về sự thiêng liêng cao quý của nghề giáo.

Nếu không đủ kiến thức, không đủ tâm và tầm, thấu hiểu, thông cảm với những thử thách đang tồn tại xung quanh thì rất khó để trở thành người thầy có tâm.

Thay vì dạy học sinh kiến thức hãy dạy cho học sinh biết những sự thay đổi của thế giới, của khoa học công nghệ, chuyển biến hàng ngày, những tin vui, những tín hiệu tích cực, những niềm vui trong cuộc sống, những kỹ năng sống thực tế…nó quý hơn hàng vạn những bài giảng khô khan.

Học từ đời là bài học mà học sinh khó quên nhất.

Đã bao lâu rồi chúng ta không cười với học sinh?

Câu hỏi này tôi tin rằng sẽ có nhiều người giật mình, đã bao lâu rồi chúng ta không cười với học sinh?

Đã bao lâu rồi chúng ta không nói chuyện thân tình với các em như những người bạn?

Đã bao lâu rồi chúng ta không kể cho các em một câu chuyện vui để kích thích các em học tập?

Chúng ta có thường xuyên vào lớp với khuôn mặt nghiêm nghị, cau có, những bực bội khó chịu riêng tư của bản thân.

Chúng ta có ném vào suy nghĩ của học trò sự bực bội của bản thân mình, các em không phải chịu trách nhiệm về những điều đó.

Có khi nào vì một học sinh vi phạm mà chúng ta sẵn sàng dành cả tiết dạy để “lên lớp” nào là đạo đức, nào là nội quy, nào là nhân cách…mà chúng ta quên rằng những em còn lại phải chịu đựng những vi phạm không phải do các em gây ra.

Các thầy cô luôn nhớ, kỹ năng hài hước là một trong những kỹ năng quan trọng giúp học sinh tiếp thu bài một cách tích cực chủ động nhất, nó cũng là chìa khóa gắn kết sự chân tình, mở lòng của học trò, giảm sự ngăn cách giữa thầy và trò.

Giáo viên luôn tâm niệm rằng mọi sự vật, hiện tượng đều sẽ thay đổi, thay vì dạy học sinh kiến thức suông hãy dạy học sinh biết kỹ năng sống, biết lắng nghe, biết ứng xử phù hợp.

NHẬT KHOA
Nguồn